Kính thưa quý thầy cô giáo, các em học sinh thân mến!
Ai đã một lần dọc theo bờ biển Việt Nam cong cong hình chữ S, nơi đại ngàn giao hòa với sóng xanh và biển lớn, không khỏi bâng khuâng chuyện 50 con lên rừng thuở hồng hoang, 50 con xuôi về biển cả, lại ơn đấng sinh thành dòng giống Rồng Tiên, đã lo cho con cháu có đủ chốn bờ cõi thiêng liêng.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài hơn ba nghìn kilômét, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng gấp mấy lần diện tích tự nhiên trên đất liền. Biển, đảo Việt Nam giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Biển, đảo với đất liền là hai phần thiêng liêng không thể tách rời để tạo nên hình hài Tổ quốc, là hai phần máu thịt để tạo nên máu thịt Việt Nam. Biển, đảo Việt Nam không chỉ là không gian rộng lớn để sinh tồn mà còn là một phần không thể thiếu trong tình cảm, tâm hồn, đời sống tâm linh truyền đời của các thế hệ con Rồng, cháu Tiên, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu hát:
"...Không xa đâu Trường Sa ơi!
Không xa đâu Trường Sa ơi!
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em".
Quả đúng như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa luôn sống mãi trong lòng của người dân đất Việt và hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng là vấn đề thời sự nóng hổi, lâu dài, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Chính vì thế, hôm nay thư viện trường THCS Nguyễn Huệ xin được giới thiệu đến thầy cô và các em học sinh cuốn sách "Hoàng Sa – Trường Sa trong ta" của nhà văn, nhà báo Chi Phan do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2012, sách dày 260 trang, khổ 13,5 x 21,5 cm. Với bìa sách màu xanh như màu của nước biển cùng với tượng đài đảo Trường Sa đứng uy nghi sừng sững với lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng của sự tự do, hòa bình và bên cạnh đó là hình ảnh người chiến sĩ đang nắm chắc trên tay vũ khí ngày đêm canh giữ biển trời, hải đảo của Tổ quốc và dòng chữ Hoàng Sa, Trường Sa trong ta như muốn khẳng định rằng chỉ có Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam chúng ta.
Nhà văn, nhà báo Chi Phan đã từng làm báo nói phát thanh Quân đội, báo hình truyền hình Quân đội, báo viết Cựu Chiến binh Việt Nam, nhà văn Chi Phan hơn hẳn với các đồng nghiệp bởi đã hơn mười lần vượt biển đến với quần đảo Trường Sa. Đồng thời những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người xem giành giải cao trong liên hoan truyền hình toàn quốc "Trường Sa trong ta", "Trường Sa mùa xuân này" được giải vàng, "Người Hà Nội ở Trường Sa", "Hát từ Trường Sa" được giải bạc, cứ mỗi lần từ Trường Sa trở về, nhà văn
Chi Phan lại có những bút ký, ghi chép kỹ lưỡng về cuộc sống của quân dân và biển trời, hải đảo, nơi đầu sóng ngọn gió oai hùng, kỳ vĩ này. Kho tư liệu về Hoàng Sa – Trường Sa mà nhà văn, nhà báo Chi Phan đã tích lũy ngày càng giàu có. "Hoàng Sa – Trường Sa trong ta" là tập hợp các tác phẩm đã viết và mới viết nhờ kho tư liệu giàu có ấy.
Mời quý thầy cô giáo và các em hãy tìm hiểu vào nội dung của cuốn sách!
Cuốn sách "Hoàng Sa – Trường Sa trong ta" gồm ba phần:
Phần I: "Ngày ấy Trường Sa" qua các bài “Quần đảo Trường Sa ngày giải phóng”,"Màu xanh Trường Sa", "Làm phim Trường Sa trong ta"… bạn đọc không chỉ thương cảm bởi những khó khăn mà quân dân trên các đảo phải chịu đựng ngoài sức tưởng tượng của con người, mà còn vô cùng cảm phục, tự hào bởi khí phách hiên ngang chống chọi với quân thù, bão tố của quân dân bám đảo nơi đây. Với rất nhiều chi tiết, số phận cụ thể cùng cảnh trời, cảnh biển được miêu tả sống động, ngoài giá trị tư tưởng, các bài viết trong phần này có thể coi như những trang lịch sử để bạn đọc hôm nay và mai sau hiểu thêm về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển trời Tổ quốc.
Phần II: "Trường Sa hôm nay" Cảm xúc bao trùm khi đọc các bài viết là niềm phấn khởi, tin tưởng bởi sức mạnh đoàn kết của quân dân trên quần đảo và sức mạnh tổng hợp của cả nước với Trường Sa. Đọc các bài "Làng mới ở Trường Sa", "Con tàu nối huyện đảo Trường Sa với đất liền", "Thương lắm, ơi Trường Sa!", "Phao cứu sinh của quân dân biển, đảo", "Góp đá xây dựng trường Sa vững chãi, kiên cường", "Những văn nghệ sĩ ở Trường Sa"… bạn đọc như được xem những bộ phim phóng sự phản ánh sự thay đổi diệu kỳ của Trường Sa hôm nay, trong trí nhớ của nhà văn Chi Phan ngày trước Trường Sa có khí hậu khắc nghiệt, trơ trọi, cát đá san hô, lác đác hoặc vắng bóng cây xanh, khan hiếm nước ngọt, giờ thì khác trước mặt mọi người là một tứ thị khang trang , ngút ngàn màu xanh của những tán Bàng Vuông, cây Tra, cây Phong Ba, cây Bão Táp để mỗi loài cây ấy là một câu chuyện nhỏ hấp dẫn. Phải chăng những con người nơi đây đã từng vật lộn với sóng to, gió lớn giữa muôn trùng biển khơi. Và họ cũng thấm thía cái nắng, cái gió, cái mặn mà của biển khơi nghìn trùng để đặt tên cho loài cây mang đầy ý nghĩa biểu tượng ấy “cây Phong Ba như một con mắt nhìn âu yếm…từng chùm hoa lốm đốm như điểm tụ cho từng phiến lá khiến chúng mềm mại mà vẫn giữ được vẻ quân tử hiên ngang đứng giữa biển trời, vẫn kiên cường chống chọi bão giông”, còn cây Bão Táp qua mỗi mùa gió muối là lá cây bị táp nhưng phần gốc vẫn tiềm tàng một sức sống…”, những con đường bê tông chạy dài, trường học nhà cửa xây dựng bài bản, quy mô vững chãi. Các công trình văn hóa tâm linh vừa mới hoàn thành: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài liệt sĩ, chùa Trường Sa và nhà khách Thủ đô, món quà của Thủ đô Hà Nội, xây dựng đảo Trường Sa lớn. Ngoài những con mắt thần, những bàn tay nắm chắc vũ khí đêm ngày canh giữ biển trời, hải đảo, ta còn rộn vang tiếng trẻ học bài, tiếng ru ngọt ngào của người mẹ trẻ, tiếng chuông chùa thanh thản đêm đêm… Tất cả đều bắt nguồn từ tiếng lòng sâu thẳm "Hãy bảo vệ và xây dựng Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển, đảo thiêng liêng do cha ông để lại".
Phần III: "Chân lý không thể đảo ngược" gồm những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, có từ hàng trăm năm trước tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Dù ai đó có bày đặt ra trăm mưu nghìn kế, diễu võ dương oai , chân lý trên cũng không thể đảo ngược.
Phần phụ lục: Bao gồm những hình ảnh sinh động, trung thực, phong phú về thiên nhiên, đất nước quân dân ở huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK 1. Qua đó, khơi gợi thêm lòng yêu nước, góp phần vào việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuốn sách mang Hoàng Sa, Trường Sa xích gần hơn với cuộc sống ở đất liền, để các độc giả thêm yêu hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Vâng! Ít có nhà văn nào hiểu được tận tình nơi đầu sóng ngọn gió như Chi Phan. Chẳng phải chính ông đang viết về một phần cuộc đời mình? Song, đem cái từng trải đó để kể lại cho các em nhỏ thì lại khác. Cái khó là làm sao để người ta cũng cảm nhận được như mình. Nhưng ông đã thành công với lời văn chân thành và mộc mạc, không màu mè, hoa mỹ, không tô vẽ như chính cuộc đời người lính. Đứng ở góc độ chủ quan tôi cho rằng, không chỉ các em nhỏ mà người lớn, những bạn ban đầu tìm hiểu về Trường Sa đều có thể đọc cuốn sách này để có những kiến thức cơ bản về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài, là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam. Từ bao đời nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc vào thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Với cuốn sách này tôi hy vọng quý thầy cô giáo và các em học sinh có thêm những hiểu biết mới về Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu, sẽ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mời quý thầy cô và các em đến với thư viện nhà trường tìm đọc nhé.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chào tạm biệt!