Các em học sinh thân mến!
Tuổi thơ, quãng thời gian hồn nhiên, vô tư và đẹp nhất của đời người. ánh mắt đen lay láy, tròn xoe, gương mặt ngây thơ, những ngón tay như búp măng…, đó là trẻ thơ, cái tuổi hồn nhiên có gì đó ngồ ngộ, những sinh linh chưa vướng bụi trần. Với cuộc sống lo toan, bộn bề trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, một tuổi thơ êm đềm ở nơi chôn nhau cắt rốn, ngày ngày đi học trên con đường quen thuộc qua cánh đồng lúa xanh rì, chiều đến lại chăn trâu, thả diều…, liệu có còn không? Ở đó, những kỷ niệm êm đềm, những ký ức thân thương đã bị cát bụi thời gian dần xóa nhòa.
Chắc hẳn các bạn và các em đã nhiều hơn một lần nghe đến cái tên Trần Đăng Khoa, một “Thần đồng thơ” của nước ta. Từ khi còn là một cậu bé 8, 9 tuổi, Trần Đăng Khoa còn đang học lớp 3 trường làng đã sáng tác hàng trăm bài thơ và được đăng báo, in thành sách.
Hôm nay, thư viện trường THCS Nguyễn Huệ xin giới thiệu đến các bạn và các em cuốn sách “Trần Đăng Khoa – Thơ tuổi học trò” do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2006, sách dày 443 trang, khổ sách 11x18cm, để phần nào giúp bạn đọc tìm về một góc tuổi thơ của mình, đồng hành cùng với những vần thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa, hơn nữa, nhắc nhở các em hãy quý trọng hơn cái tuổi thần tiên này, đừng để nó vụt qua mà có nhiều tiếc nuối, vì tuổi thơ không bao giờ trở lại.
Với bìa sách trắng tinh khôi và dòng chữ Trần Đăng Khoa – Thơ tuổi học trò nổi bật trên nến hình ảnh một cậu bé đang ngồi câu cá trên bờ sông. Mở đầu cuốn sách là lời giới thiệu và cảm ơn của tác giả đối với nhà xuất bản cũng như bạn đọc gần xa. Tiếp đó là tâm sự của tác giả Nguyễn Nghiệp viết về Trần Đăng Khoa sau khi đi thực tế tìm hiều về “Thần đồng thơ” như lời đồn lúc bấy giờ. Những lời tâm sự đầy xúc động, có lẽ phần nào cho ta hiểu thêm về cuộc sống của Trần Đăng Khoa cũng như người dân nước ta trong thời buổi ấy, thời buổi đất nước khó khăn, bị giặc Mỹ đô hộ, đánh phá.
Mở đầu cho 367 bài thơ của Trần Đăng Khoa trong tuyển tập này là bài “Con bướm vàng” sáng tác năm 1966, cho ta thấy đó đúng là sáng tác của một cậu bé, có hồn nhiên, ngồ ngộ, thấy gì tả nấy nhưng cũng thật đăc biệt và chắc hẳn phải có năng khiếu bẩm sinh. Tâm hồn thơ từ trong bụng mẹ mới có thể viết được như vậy khi mới 8, 9 tuổi. Có lẽ những suy nghĩ, lời nói, cách làm thơ của một cậu học trò vẫn phù hợp với lứa tuổi học trò hơn cả, bởi những suy nghĩ non nớt, ngây ngô, những suy nghĩ lạ lùng, trí tưởng tượng phong phú của trẻ con thì người lớn khó mà nắm bắt được. Những vần thơ của trần Đăng Khoa cũng vậy, có cái gì đó ngây thơ, vô tư, hồn nhiên nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa, xúc cảm của lứa tuổi học trò. Cậu bé Khoa làm thơ rất đa dạng về chủ đề, dường như viết tất cả về mọi thứ xung quanh, những cây cối, rau, quả, mưa, gió… cũng làm cho tâm hồn thơ của cậu tuôn trào. Cậu viết về lòng yêu quê hương, đất nước, yêu quý Bác Hồ như bài “Quê em, Trăng tròn, Hà Nội có Bác Hồ, Mang biển về quê…”trong thơ của Trần Đăng Khoa còn có cả lòng căm thù giặc. xen lẫn với những bài thơ ngắn là những bài trường ca dài hàng trăm câu với óc tượng tượng của cậu bé có bài “Bắt ong rừng nộp củi, Đánh thức Trầu…”
Cuốn sách như chứa đựng cả một bầu trời trong thơ của Trần Đăng Khoa lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó còn có những bài thơ độc đáo và cả những câu hỏi của các bạn nhỏ từ mọi miền đất nước gửi về cho chú Khoa thắc mắc về các bài thơ chú làm và các câu hỏi ấy đều được chú trả lời, chú kể rất chân thực và nói cả tình cảm của mình đối với từng bài thơ.
1. TRẦN ĐĂNG KHOA Thơ tuổi học trò: Góc sân và khoảng trời: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001/ Trần Đăng Khoa.- Tái bản lần thứ 3.- H.: Giáo dục, 2006.- 443tr.: ảnh; 18cm. Chỉ số phân loại: 895.9221 TH460TH 2006 Số ĐKCB: GD.00524, GD.00525, GD.00526, GD.00527, GD.00528, |
Các bạn và các em muốn tìm hiểu thêm về cuốn sách hãy đến thư viện trường THCS Nguyễn Huệ để tìm đọc và cảm nhận tâm hồn thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa này nhé.